• Từ lúc mới sinh đến năm 7 tuổi: Giai đoạn đầu đời cho đến
khi thay răng. Khoảng chừng 6-7 tuổi, răng sữa bắt đầu rụng và
răng vĩnh viễn bắt đầu mọc.
Theo Rudolf Steiner – người sáng lập Triết lý Anthroposophy và phương
pháp giáo dục Waldorf – việc học cách đứng thẳng và đi bộ trong năm đầu
tiên sẽ được thể hiện nhiều hơn trong bảy năm phát triển đầu tiên của
trẻ. Nó liên quan đến cảm giác thoải mái trong cơ thể của một người bằng
cách làm chủ tốt hơn các kỹ năng vận động và trở nên nhạy cảm với nhận
thức giác quan. Năm thứ hai – khi trẻ học nói – sẽ được thể hiện rõ hơn
ở giai đoạn bảy năm tiếp theo từ 7 đến 14 tuổi. Lúc này, trẻ sẽ chinh
phục hệ thống nhịp điệu và đời sống tình cảm. Năm thứ ba – khi trẻ dần
dần đánh thức trí thông minh và bắt đầu tư duy – sẽ thể hiện rõ hơn ở
lứa tuổi vị thành niên từ 14 đến 21 tuổi. Lúc này, nhân cách của trẻ
được đánh thức, buộc trẻ phải đưa ra những lựa chọn để trưởng thành. Do
đó, việc quan sát và hiểu sâu sắc hơn về ba năm đầu tiên là rất quan
trọng đối với các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục vì điều đó mang đến cho
chúng ta nền tảng để hiểu toàn bộ sự phát triển của trẻ từ khi sinh ra
cho đến khi trưởng thành.
• Từ 7 đến 14 tuổi: Giai đoạn cốt lõi của thời thơ ấu. Trẻ
bắt đầu đến trường: tiểu học và trung học cơ sở. Giai đoạn tiểu học là
giai đoạn phát triển mà trẻ dần bước vào và trở thành một thành viên của
môi trường xã hội lớn hơn ở lớp học và trường học.
Đây là thời điểm then chốt của quá trình chuyển đổi về cả mặt sinh học,
cảm xúc, tinh thần và xã hội. Trẻ dần học cách để tự tin vào bản thân và
tạo ra những ranh giới rõ ràng với thế giới. Điều này, tất nhiên, sẽ đem
đến nhiều thách thức và lo lắng cho trẻ nhưng đồng thời cũng kích thích
cảm giác tò mò, khao khát tìm hiểu, khám phá, đặc biệt, đây là thời điểm
tràn đầy năng lượng và niềm vui. Có thể nói rằng, ở độ tuổi này, trẻ có
được sự duyên dáng và nhanh nhẹn đặc biệt.
Người lớn – không chỉ bố mẹ mà còn cả thầy/cô giáo – cần thường xuyên có
mặt vì trẻ, để các em có thể sống hạnh phúc và tử tế. Nếu cảm thấy an
toàn, trẻ sẽ đủ can đảm để chinh phục thế giới.
• Giai đoạn 14 đến 21 tuổi: Giai đoạn dậy thì, thanh thiếu
niên, giai đoạn chuyển tiếp thành người trưởng thành Tuổi vị
thành niên là một giai đoạn chuyển tiếp then chốt của đời người, một
giai đoạn đầy thách thức cho cả trẻ cũng như những người chăm sóc, cha
mẹ, thầy cô và các nhà giáo dục. Đó là một sự chuyển hóa sâu sắc ảnh
hưởng đến tất cả những chiều kích cơ bản: thể lý, cảm xúc, tâm trí. Và
những người trẻ có thể có nhiệm vụ khó khăn là tái định nghĩa những khía
cạnh này. Đây cũng là thời gian sẽ tạo nên một hệ quả xã hội quan trọng
trên phương diện các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và đồng niên. Đây
là lứa tuổi khám phá tình bạn và tình yêu.
Nhu cầu an toàn về mặt cảm xúc, sự chấp nhận và ghi nhận từ xã hội, nhu
cầu phát triển và thể hiện cần phải được đáp ứng để làm phong phú cho
đời sống của trẻ.
Mỗi đứa trẻ đều khác nhau và chúng ta phải trân trọng, chấp nhận những
khác biệt này.
(Trích dẫn từ sách “Happy
Children" của GS. TS Hà Vĩnh Thọ, bạn có thể tham khảo và đặt
mua sách tại
đây.)